3 sự cố cáp quang biển liên tiếp đã diễn ra trên các tuyến APG (ngày 10/3), tuyến AAE-1 (ngày 23/5) và tuyến IA (ngày 13/6) đã đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel. Cụ thể, chúng ta đã bị mất 8.400Gbps, chiếm tới 75% tổng số tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel. Đặc biệt, ở hướng kết nối quốc tế qua Singapore, dung lượng còn lại chỉ đáp ứng được 40% lưu lượng lúc cao điểm nhất.
Trước nguy cơ nghiêm trọng đe dọa đến chất lượng dịch vụ, Ban TGĐ VTNet đã trực tiếp chỉ đạo triển khai khắc phục, đưa ra hàng loạt các kịch bản và phương án xử lý. TT Vận hành Khai thác Toàn cầu của VTNet tăng cường giám sát chủ động, thực hiện cân bằng tải trên các hướng kết nối để không xảy ra tình trạng nghẽn cục bộ. Nguồn lực được huy động tối ta, nhân sự từ khắp các đơn vị trong Tổng Công ty và cả Tập đoàn cùng chung tay để xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh.
Đồng thời, VTNet đã phối hợp cùng VTS, VTT để mua bổ sung 4.400Gbps theo các giai đoạn để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Con số này chiếm tới 150% tài nguyên kết nối quốc tế còn lại của Viettel thời điểm đó.
Cụ thể, ngày 1/6, 400Gbps đã được bổ sung cho kết nối quốc tế hướng đi qua Singapore để đảm bảo tài nguyên đáp ứng cả lúc cao điểm nhất.
Sau sự cố ngày 13/6, Viettel tiếp tục bổ sung thêm 2.000Gbps cho kết nối quốc tế đi Singapore.
Để sẵn sàng cho kế hoạch sửa tuyến cáp IA vào đầu tháng 7/2024, Viettel đã chủ động mua trước 2.000Gbps cho kết nối quốc tế hướng đi qua Hồng Kông. Nhờ đó, tổng dung lượng kết nối quốc tế Viettel hiện có cao hơn 20% lưu lượng lúc cao điểm nhất, sẵn sàng dự phòng cho những sự cố bất ngờ xảy ra.
Dự kiến phải đến cuối Quý 3, các sự cố cáp quang biển mới có thể được khắc phục. Vì thế, các kỹ sư VTNet luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng nhiều kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu hơn.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, VTNet sẽ bổ sung lũy kế gần 6.000Gbps, nâng tổng dung lượng kết nối quốc tế Viettel lên gần 18.000Gbps.