Viettel đặt mục tiêu có 10 tuyến cáp quang biển vào năm 2030

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Viettel sẽ mở rộng hạ tầng cáp quang biển quốc tế với kế hoạch triển khai, đưa vào khai thác 5 tuyến cáp mới, nâng tổng số tuyến cáp của Viettel lên 10 tuyến vào năm 2030.

Tuyến cáp ADC – Cầu nối chiến lược trong khu vực

Ngày 18/12/2024, TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) tổ chức lễ khánh thành tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) tại Hà Nội. Đây là một trong những tuyến cáp biển hiện đại nhất khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực kết nối quốc tế của Việt Nam.

Tuyến cáp ADC có tổng chiều dài gần 10.000 km, kết nối trực tiếp các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Hồng Kông SAR, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam (điểm cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định). Với thiết kế 8 cặp sợi quang trên trục chính Singapore – Hồng Kông – Nhật Bản, ADC sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao, đạt dung lượng thiết kế ban đầu lên đến 160 Tbps (có thể hỗ trợ các công nghệ truyền dẫn mới nhất trong tương lai), giúp tăng tốc độ truyền tải dữ liệu giữa các trung tâm dữ liệu lớn tại Châu Á.

Đặc biệt, tuyến cáp ADC được thiết kế kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu trọng điểm và lớn nhất của khu vực châu Á tại Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông, giúp tối ưu hóa hiệu suất kết nối và tăng cường khả năng lưu trữ, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Đây cũng là tuyến cáp mới nhất được đưa vào khai thác tại khu vực nội Châu Á trong 8 năm qua.

Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.

Hiện tại, Viettel đang khai thác và sở hữu 4 tuyến cáp quang biển quan trọng, bao gồm:

  • AAG (Asia America Gateway): Đưa vào khai thác năm 2009. Đây là tuyến cáp kết nối trực tiếp Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) với Hoa Kỳ.
  • IA (Intra-Asia): Đưa vào khai thác năm 2009. Đây là tuyến cáp kết nối Việt Nam với các quốc gia tại khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Philippines. Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng duy nhất đầu tư và là chủ trạm cập bờ cáp IA tại Vũng Tàu.
  • APG (Asia Pacific Gateway): Đưa vào khai thác năm 2016. Đây là tuyến cáp kết nối khu vực Đông Nam Á và Đông Á, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
  • AAE-1 (Asia – Africa – Europe-1): Đưa vào khai thác năm 2017. Đây là tuyến cáp có dung lượng lớn nhất kết nối trực tiếp Việt Nam với châu Âu và châu Phi cũng như kết nối trực tiếp 2 Hub IP lớn tại châu Á là Hồng Kông và Singapore đến châu Âu. Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng đầu tư lớn nhất và chủ sở hữu trạm cập bờ tuyến cáp AAE-1 tại Vũng Tàu.

Việc nâng cấp tuyến cáp AAE-1 cùng với khai thác tuyến ADC vào năm 2025 sẽ giúp Viettel nâng tổng dung lượng kết nối quốc tế lên 20 Tbps, tăng 1,8 lần so với năm 2024. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng kết nối Internet tại Việt Nam mà còn tăng cường vị thế của Viettel trong khu vực.

Mục tiêu mở rộng đến năm 2030

Nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng của người dùng và doanh nghiệp, Viettel đặt mục tiêu mở rộng hạ tầng cáp quang biển với kế hoạch triển khai và đưa vào khai thác thêm 5 tuyến cáp mới từ năm 2026 đến năm 2030, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Viettel lên 10 tuyến vào năm 2030. Trong đó, tuyến cáp biển mới ALC (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei, Phillipines, China, Hong Kong SAR) dự kiến đưa vào khai thác năm 2026, tuyến cáp quang biển VTS kết nối trực tiếp Việt Nam – Singapore (Viettel hợp tác cùng Singtel) dự kiến đưa vào khai thác năm 2028.

Khi các tuyến này đi vào hoạt động, Viettel sẽ sở hữu mạng lưới cáp quang biển ngày càng rộng lớn, nâng cao dung lượng kết nối và đảm bảo khả năng phục vụ ổn định với tốc độ cao.

Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, Viettel tiếp tục khẳng định vị thế là doanh  nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kết nối quốc tế và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc đưa vào vận hành các tuyến cáp quang biển mới không chỉ giúp Việt Nam củng cố năng lực hạ tầng số mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Viettelfamily

Bình chọn post
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM